Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Tông Môn, Giáo Môn

Tông môn, giáo môn phân ra riêng biệt bắt đầu từ Trung Quốc căn cứ nơi kinh Lăng Già. Phật bảo: “Đại Huệ! Tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, có hai thứ tướng thông: gọi là Tông thông và Thuyết thông. Nói Tông thông là do tự mình chứng đắc tướng thắng tiến, xa lìa ngôn thuyết văn tự vọng tưởng, rồi ngộ nhập Tự Tướng Tự Giác Địa nơi giới vô lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả bọn ma đạo, do tự giác phát huy ánh sáng, ấy là tướng tông thông. Thế nào là tướng Thuyết thông? Nói thuyết đủ thứ giáo pháp nơi chín bộ Kinh, lìa các tướng đồng, dị và có, không, dùng phương tiện tinh xảo để tùy thuận chúng sanh, ứng cơ thuyết pháp khiến được độ thoát, ấy gọi là Tướng thuyết thông. Đại Huệ! Ngươi và các Bồ tát nên tu học.

Phật nói “Tông thông” là pháp Thiền thực tiễn do mình tự tham tự chứng; nói “Thuyết thông” là Pháp sư giảng giáo lý, thuyết pháp tự tại, chẳng lìa tự tánh, chẳng đọa nhị biên. Một là trực tiếp, một là gián tiếp; một do tâm hành, một do khẩu thuyết, đức Phật hoằng pháp lợi sanh, đại khái chẳng ra ngoài hai lối này. Hai thứ phương pháp dù chẳng đồng, nhưng mục đích cuối cùng chỉ là một, nếu xét kỹ lại thì tông chẳng lìa giáo, giáo chẳng lìa tông, xưa nay Tông môn dù nói chẳng lập văn tự, chẳng trọng kinh điển, nhưng Thế Tôn sau khi niêm hoa thị chúng rồi liền nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, Thật tướng vô tướng, Vi diệu pháp môn, Chẳng lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật”.
Tám câu này tức là ngôn ngữ, tức là giáo lý, cho đến tổ Đạt Ma lấy kinh Lăng Già truyền cho ngài Huệ Khả, ngũ tổ Hoằng Nhẫn lấy kinh Kim Cang truyền thọ ngài Huệ Năng, Tứ Tổ có Pháp ngữ, Lục Tổ có Pháp Bảo Đàn, ấy đều chứng tỏ tông chẳng lìa Giáo vậy.

Lại như trong giáo điển Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Viên Giác, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Lăng Già đều trực thị tông chỉ chẳng lìa Pháp thân, ấy đều chứng tỏ Giáo chẳng lìa Tông vậy. Nên Chứng Đạo Ca nói: “Tông cũng thông, Thuyết cũng thông. Định, Huệ sáng tròn chẳng kẹt Không”, chúng sanh đời mạt pháp chẳng rõ ý chỉ này, vì tiên nhập làm chủ, nên ít người thông suốt, lại mỗi mỗi tự lập cửa ải, bài xích lẫn nhau, kẻ học Thiền thì chấp Tông mà đè Giáo, kẻ học Giáo thì chấp Giáo mà khinh Tông. Thật ra Tông lìa Giáo thì đọa nơi rỗng không, Giáo lìa Tông thì thành ra tạp loạn; Tông với Giáo như hai bánh của xe, chẳng thể phế bỏ bánh xe nào.