Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Pháp Dụng Công

Tăng hỏi: Lúc con ngồi tham thiền dứt vọng niệm, nhưng vọng niệm càng dứt càng nhiều, ví như một chén nước, khi đục thì thấy đất cát không rõ, khi lắng thì thấy đất cát rõ ràng. Cho nên khi chẳng dứt vọng niệm, vọng niệm lại ít hơn, hễ dứt vọng niệm thì càng dứt càng nhiều. Trước kia có Thiện tri thức bảo con: “Vọng niệm dứt sạch tức là Phật tánh”, tại sao càng dứt càng nhiều? Làm thế nào mới dứt sạch được? Con nhiều nhất dứt được năm phút thì vọng niệm lại khởi nữa, đức Phật nói: “Pháp cũng là vọng”, tại sao Phật chẳng dứt vọng niệm mà bảo chúng con dứt vọng niệm? Lại ngồi lâu thì nhức đầu, vậy dụng công như thế nào mới học cách tu của Thiền tông? Xin Sư từ bi khai thị”.

Sư nói: Ông đã đi lầm đường, niệm khởi niệm diệt chẳng phải Phật tánh, Phật tánh là như như bất động, chẳng khởi vọng niệm; khởi vọng niệm là nhất niệm vô minh, hễ lay động liền phân làm hai mặt: tức là chánh niệm và bất chánh niệm. Bất chánh niệm là vọng, chánh niệm cũng là vọng, đều là tác dụng của kiến, văn, giác, tri, chẳng liên can với Phật tánh. Nếu vọng niệm từ bên ngoài đến thì chẳng dính dáng với ông, đâu cần đoạn dứt nó! Nếu vọng niệm từ bên trong ra thì cũng như nguồn suối luôn luôn có nước ra, dứt rồi lại sanh, sanh rồi lại dứt, đến khi nào mới hết? Vậy tu hành dứt vọng niệm, lý này thật chẳng thông. Thật ra kiến, văn, giác, tri có hai mặt: nhiễm duyên và tịnh duyên đều là vọng niệm của nhất niệm vô minh. Người tu hành suy nghĩ điều lành, hành việc thiện là tịnh duyên; suy nghĩ điều ác, hành việc tà là nhiễm duyên, hai thứ đều là vọng. Đem nhiễm duyên, tịnh duyên dứt sạch, kiến, văn, giác, tri chẳng còn, ấy là chỗ đen tối trống rỗng của vô thỉ vô minh. Nay Phật tánh bị vô thỉ vô minh che khuất, muốn thấy Phật tánh ắt phải đập tan vô thỉ vô minh mới thấy được.

Muốn đập tan vô thỉ vô minh, cần phải dùng lục căn của vọng niệm hướng vào chỗ hầm sâu đen tối nhìn thẳng đi, chớ nên gián đoạn, nhìn đi nhìn lại, khi thời tiết đã đến, “ồ” lên một tiếng thì vô minh tan rã, cái bản thể cùng khắp hư không của Phật tánh ngay đó liền hiện ra. Sau kiến tánh thì sanh tử, thiện ác, thị phi từ vô lượng kiếp trọn mâm trình ra, lúc bấy giờ kiến, văn, giác, tri, lục căn, vọng niệm, tất cả đều biến thành Phật tánh. Phật thuyết pháp là Phật niệm, chẳng phải vọng niệm, người chưa kiến tánh mới là vọng niệm.

Mã Tổ nói: “Tham thiền chẳng thuộc ngồi, chấp ngồi thì bị dính mắc”, đi, đứng, nằm, ngồi đều phải dụng công, ngồi lâu sẽ bị nhức đầu. Ông cho kiến, văn, giác, tri nghiệp thức là Phật tánh thì vĩnh viễn chẳng thể kiến tánh, há chẳng nghe Trường Sa Sầm thiền sư nói: “Sao người học đạo chẳng biết chơn? Chỉ vì xưa nay nhận thức thần, nguồi gốc sanh tử từ vô thỉ, si mê cho là bổn lai nhơn (Phật tánh) ư!”