Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Lục Tổ Với Thần Tú

Thần Tú nói: “Thân là cây Bồ đề, Tâm như đài gương sáng, luôn luôn siêng lau chùi, chớ cho dính bụi trần”. Kiến, văn, giác, tri dụ cho gương sáng, vọng niệm như bụi dính gương, siêng lau chùi dụ cho dứt sạch vọng niệm, chớ cho dính bụi là dụ chẳng cho vọng niệm sanh khởi.

Thật ra kiến, văn, giác, tri vốn hay khởi vọng niệm, là chẳng thể dứt sạch được, ví như nguồn suối ngày đêm chảy nước ra, dứt rồi lại chảy nữa vĩnh viễn dứt không được. Cho nên người nhận kiến, văn, giác, tri là Phật tánh vốn là sai lầm, tu hành vô ích.

Lục Tổ nói: “Bồ đề vốn chẳng cây, gương sáng cũng chẳng đài, vốn là chẳng một vật, nơi nào dính bụi trần”. Lục Tổ đã minh tâm kiến tánh, nên kệ này hiển thị Phật tánh chẳng sanh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thọ huân nhiễm, bổn lai thành Phật, là đứng trên quả vị Chơn như mà nói “vốn chẳng một vật” là chỉ thẳng Phật tánh vốn chẳng khởi vọng niệm, nên biết khởi vọng niệm là kiến, văn, giác, tri, chẳng khởi vọng niệm là Phật tánh. Nếu Phật tánh với kiến, văn, giác, tri chẳng phân biệt rõ ràng thì dụng công học Phật ắt phải sai lầm.
Thần Tú cho kiến, văn, giác, tri là Phật tánh, nhưng sai lầm ấy chẳng phải chỉ một mình Thần Tú, sai lầm ấy truyền nhau từ đời Lục Triều, là chịu sự ảnh hưởng học thuyết Lão Tử nói “Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật, vạn vật sanh cõng âm mà ôm dương, từ âm dương của vạn vật trở về ba, hai, một rồi tới đạo”. Bên ngoài thì nói danh từ của Phật pháp, bên trong là lý đạo của Lão Tử truyền nhau cho đến đời này, chẳng biết lầm hại cho bao nhiều học Phật với những cao Tăng thông minh, thật đáng thương xót!

Phàm dụng công tu hành, cần phải phá vô thỉ vô minh, kinh Hoa Nghiêm nói: “Phá vô minh đen tối”. Kinh Viên Giác nói: “Vô thỉ huyễn vô minh”. Kinh Thắng Man nói: “Đoạn vô thỉ vô minh”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Pháp trần u nhàn”, Tổ sư Thiền tông gọi là vô ký không, hầm sâu vô minh, đáy thùng sơn đen, đầu sào trăm thước, hang quỉ núi đen; Giáo môn gọi là nguyên phẩm vô minh, căn bản vô minh, bạch tịnh thức… Các kinh Lăng Già, Niết Bàn, và lịch sử Thiền tông như Chỉ Nguyệt Lục, Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, trong đó nói về dụng công phá về vô thỉ vô minh rất nhiều, chưa thể kể hết.