Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Mục Đích Của Tham Thiền

Mục đích của Tham thiền là gì? Là muốn minh tâm kiến tánh. Cái quả minh tâm kiến tánh như thế nào? Là thấu triệt bổn nguyên, vượt ngoài tam giới, liễu thoát sanh tử, chẳng thọ hậu hữu, độ mình độ người, phổ lợi chúng sanh. Ấy là mục đích cuối cùng của loài người.

Nhưng muốn minh tâm kiến tánh, trước tiên phải rõ thế nào là tâm tánh. Tâm tánh là bổn nguyên tự tánh của chúng sanh, cũng gọi là Phật tánh, hoặc gọi Chơn như, Như lai. Thiền tông gọi là Bổn lai diện mục, Thanh tịnh pháp thân; Duy Thức tông gọi là Tự thân tịnh độ, Thường tịch quang tịnh độ; Tam Luận tông gọi là Thật tướng bát nhã; Luật tông gọi là Bổn nguyên tự tánh, Kim cang bửu giới; Thiên Thai tông gọi là Tự tánh thật tướng; Hoa Nghiêm tông gọi là Nhất chơn pháp giới; Mật tông gọi là Tịnh bồ đề tâm… danh hiệu dù nhiều, bản thể chỉ một. Duy Thức luận nói: “Chơn là chơn thật, tỏ chẳng hư vọng. Như là như thường, tỏ chẳng biến đổi. Nghĩa là cái chơn thật này, nơi tất cả pháp thường như bản tánh, nên gọi là Chơn như”. Kinh Duy Ma Cật nói: “Như là chẳng hai chẳng khác”. Kinh Kim Cang nói: “Như lai là chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu”.

Theo những kinh luận kể trên, nói “Tâm tánh” là chỉ ngay Chơn như tự tánh, chẳng phải tâm tánh của người đời. Người đời nói “tâm” ấy là vọng tâm, tức là vô minh, nay muốn minh tâm là minh cái tâm chơn thật cùng tột, nên gọi là Chơn như.

Kinh Hoa Nghiêm phát huy cái lý Chơn như Phật tánh rất tường tận, trong phẩm Thập Hồi Hướng nói: “Siêng tu tất cả pháp xuất thế gian, đối với thế gian vô thủ vô y, đối với diệu đạo chánh kiến kiên cố, thấu pháp chơn thật, lìa chư vọng kiến, ví như chơn như, khắp tất cả nơi, chẳng có ngằn mé; ví như chơn như, chơn thật làm tánh; ví như chơn như, thường giữ bản tánh, chẳng có biến đổi; ví như chơn như, nơi tất cả pháp, vô tánh làm tánh…

Đây là cảnh giới chơn như Phật tánh do Phật với Tổ đích thân chứng nhập, rồi dùng ngôn ngữ phương tiện để khai thị cho chúng sanh, chúng sanh nghe rồi, hoặc ngơ ngác chẳng hiểu gì, hoặc biết được đại ý nhưng chẳng thể cho là minh tâm kiến tánh; nghe rồi được hiểu gọi là giải ngộ, cần phải tự tham thực chứng, đích thân thấy rõ, mới có thể gọi là chứng ngộ, sở chứng với Phật chẳng khác, nên gọi là kiến tánh thành Phật.

Thường có kẻ thông minh lanh lợi, xem nhiều kinh điển mà được giải ngộ, giảng giải cho người khác nghe, biện tài như suối chảy mà thật thì chẳng biết chơn như Phật tánh là vật gì. Cũng như người chưa từng đến thắng cảnh Vịnh Hạ Long, chỉ xem du ký của người khác, lại diễn tả cho người khác nghe giống như đã từng đi qua, thật thì chưa từng đích thân thấy thắng cảnh ấy, nếu gặp người đã từng du lịch Vịnh Hạ Long, hỏi về chơn cảnh ấy thì ngơ ngác chẳng thể trả lời. Vì thế nên Thiền tông chủ trương chỉ thẳng tâm người, chẳng lập văn tự là vậy.

Nên biết, muốn minh tâm kiến tánh toàn nhờ chơn thực tham chứng, người khác chẳng thể thay thế được, chẳng quí đa văn, chỉ quí thấy ngay, từ ngoài cửa chẳng phải gia bửu, lời của người khác nói chẳng dính dáng với mình.

Xưa kia Hương Nghiêm hòa thượng ở trong hội Bá Trượng, thông minh lanh lợi, hỏi một đáp mười, bị Qui Sơn hỏi: “Khi cha mẹ chưa sanh nói thử một câu xem!” liền ngơ ngác chẳng đáp được. Về liêu phòng tìm tra hết thảy văn tự xem qua, muốn tìm một câu để trả lời trọn chẳng thể được, than rằng: “Bánh vẽ chẳng thể cứu đói”, cứ xin Qui Sơn nói trắng ra. Qui Sơn nói: “Ta nói cho ngươi thì ngươi về sau sẽ mắng ta; ta nói là việc của ta, chẳng dính dáng với ngươi!” Hương Nghiêm bèn lấy tất cả ngôn giáo đốt bỏ, thẳng qua Nam Dương, nghĩ tại di tích của Huệ Trung quốc sư, tham cứu lâu ngày, một hôm nhổ cỏ, ngẫu nhiên quăng miễng trúng nhằm cây tre phát ra tiếng, hoát nhiên tĩnh ngộ, liền về tắm gội đốt nhang, hướng về Qui Sơn lễ bái rằng: “Hòa thượng đại từ, ân hơn cha mẹ, nếu lúc đó vì con nói trắng ra thì đâu có việc kiến tánh hôm nay”.

Do đó, mà xem Thiền tông chẳng lập văn tự, chỉ chú trọng tham chứng, mà được tôn là phương thuốc hay của minh tâm kiến tánh, pháp Thiền của Thiền tông được phổ biến khắp Trung Quốc, đâu phải việc ngẫu nhiên!