Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Thiền Đạt Ma

Trước khi tổ Đạt Ma chưa đến, Thiền pháp Trung Quốc phần nhiều Trung, Tiểu nhị thừa, kẻ nghiên cứu giáo tướng về lối tu ngày càng phức tạp và chi ly, học giả ít được chứng ngộ. Khi tổ Đạt Ma đến, chuyên truyền pháp môn Tâm địa của Như lai, pháp ấy lại giản dị trực tiếp, thấu thoát ra ngoài cương yếu của giáo môn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Từ đó pháp Thiền riêng mở một trạng thái mới lạ. Lúc ban sơ vì phương pháp cao siêu, ít người được khế hội, nên ngồi im lặng chín năm để đợi người đặng truyền thừa, về sau ngày tin càng đông thêm, sự ảnh hưởng làm cho pháp Thiền và giáo lý đã truyền từ xưa bị lay động, nên đã sáu lần bị đầu độc, nhưng pháp môn trực chỉ của Thiền tông đã thay thế cho địa vị pháp Thiền cũ mà thịnh hành khắp Trung Quốc.

Xem qua lời vấn đáp của tổ Đạt Ma đều là pháp chỉ thị Phật tánh, thẳng vào cội nguồn Bản thể. Trong Truyền Đăng Lục có ghi: “Nhập Đạo Tứ Hạnh” của Tổ dạy, cứu xét kỹ do người khác giả mạo, so với ý nghĩa lời nói của Ngài hoàn toàn khác hẳn, như trong bài nói “Bỏ vọng về chơn”, “Im lặng ngó hẳn vách tường”, “Dứt tưởng chẳng cầu, có cầu đều khổ, chẳng cầu mới vui”, “Chẳng có bỏn xẻn đối với thân mạng tiền tài, theo hạnh xả bỏ bố thí, tâm chẳng hối tiếc”… Những lời này toàn là lời dạy của Trung, Tiểu nhị thừa, so với lời “Quách nhiên vô thánh”, “Vô hữu công đức” của tổ Đạt Ma thì ý chỉ tuyệt nhiên xa cách, trí thông với nghẽn đã phân biệt rõ ràng.

Thiền tông sau khi ngộ đạo chẳng nhờ tu tập, nếu có tu thì chẳng phải triệt ngộ, tổ Đạt Ma là bậc Thánh đã ngộ, đâu cần hướng vách tu thiền! Lại từ xưa nay chư Tổ của Thiền tông đều phản đối sự lắng tâm tĩnh tọa, Lục Tổ nói: “Kẻ mê lắng tâm tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là đại, bọn này chẳng thể dạy bảo, vì tà kiến đã sẵn”. Lại nói: “Trụ tâm quán tịnh là bệnh chẳng phải Thiền, ngồi lâu trói thân, có ích lợi gì!”

Pháp Thiền của tổ Đạt Ma phế bỏ hư văn, chỉ ngay thực tế, khiến người đốn ngộ cội nguồn, thẳng chứng quả Phật, nên được quét sạch những tệ đoan phức tạp và chi ly, khiến Thiền học từ suy sụp trở thành thịnh vượng, thành một Tông phái lớn. Ngài truyền kinh Lăng Già để ấn tâm, và chư Tổ đời sau dùng hét dùng gậy, dùng phẩn nộ chửi mắng, cho đến dùng nhướng mày chớp mắt để tiếp dẫn hậu học, với Tông chỉ Lăng Già, niêm hoa thị chúng đều chẳng khác biệt.

Tổ Đạt Ma được tôn làm Sơ Tổ của Thiền tông, truyền cho nhị tổ Huệ Khả, tam tổ Tăng Xán, tứ tổ Đạo Tín, ngũ tổ Hoằng Nhẫn, đến lục tổ Huệ Năng, môn đồ của Lục Tổ ngộ đạo rất nhiều, Thiền phong đại thịnh, Tứ Tổ có chi nhánh Pháp Dung thiền sư ở núi Ngưu Đầu, cũng rất thịnh vượng, người đời xưng là Ngưu Đầu Thiền, hành trạng và lời khai thị của chư Tổ đều có ghi trong Truyền Đăng lục.