Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

4 Thiền Bệnh & 4 Tướng

Tham thiền lầm dụng công rất dễ phạm những bệnh sau đây:

1. Chỉ bệnh: Đè nén tất cả tư tưởng miễn cưỡng dừng lại, như nước biển chẳng nổi sóng, chẳng nổi một bọt nhỏ. Tiểu thừa đoạn dứt lục căn, Đạo giáo thanh tịnh quả dục, tuyệt Thánh bỏ trí đều thuộc bệnh này, Phật tánh thì chẳng hợp với Chỉ.

2. Tác bệnh: Bỏ vọng lấy chơn, lấy niệm xấu đổi niệm lành, nghịch trần hợp giác, nghịch giác hợp trần; phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân; Lão Tử “Thường vô dục để quán diệu, thường hữu dục để quán sai”; Khổng Tử “Chánh tâm thành ý”, nhà Nho “Trừ bỏ ích kỷ của dục vọng, tồn tại chánh tâm của thiên lý”, ấy thuộc về bệnh này, Phật chẳng do Tác mà đắc.

3. Nhậm bệnh: Tư tưởng khởi cũng mặc kệ, diệt cũng mặc kệ, chẳng dứt sanh tử, chẳng cầu Niết bàn, chẳng trụ và chấp trước tất cả tướng, chiếu mà thường tịch, tịch mà thường chiếu, đối cảnh vô tâm, nhà Nho “Lạc thiên tri mệnh”, Đạo giáo “Trở về tự nhiên”, “Trở về hài nhi” đều thuộc bệnh này, Phật tánh chẳng do Nhậm mà có.

4. Diệt bệnh: Tất cả tư tưởng dứt sạch, mênh mông trống rỗng đồng như gỗ đá, Trung thừa phá nhất niệm vô minh, Trang Tử “Tọa vong”, nhà Nho “Ngã tâm vũ trụ” và chơn lý của sáu thứ ngoại đạo ở Ấn Độ thuộc bệnh này, Phật tánh chẳng do Diệt mà có.

Tham thiền lầm dụng công phu nếu phạm bốn bệnh kể trên thì sẽ lầm Tứ tướng, nay lược giải như sau:

1. Ngã tướng: Tức là ngã chấp; Tiểu thừa khi đã dứt lục căn, tiểu ngã đã diệt, lại vào cảnh giới đại ngã, lúc ấy tâm lượng rộng lớn, thanh tịnh tịch diệt, hình như đầy khắp vũ trụ. Nhà Triết học Hy Lạp nói “Đại ngã”, “Thượng đế”, Lão Tử “Nhấp nhoáng trong đó có tượng, nhấp nhoáng trong đó có vật; sâu xa mịt mù, trong đó có tinh” đều thuộc về ngã tướng.

2. Nhơn tướng: Tức pháp chấp, khởi niệm sau để phá niệm trước, ví như niệm trước có ngã, niệm sau chẳng nhận là ngã, rồi lại khởi một niệm nữa để phá cái niệm “chẳng nhận là ngã”, nối liền như thế cho đến vô ngã, nhưng kiến giải “phá” vẫn còn, ấy là nhơn tướng. Trang Tử nói: “Ta nay mất ngã” tức là Nhơn tướng.

3. Chúng sanh tướng: Cũng là pháp chấp, cảnh giới này ngã tướng, nhơn tướng chẳng thể đến, tức là Chúng sanh tướng. Nhà Nho nói: “Mừng, giận, buồn, vui khi chưa phát gọi là Trung”. Thư Kinh nói: “Duy tinh duy nhất, nên chấp nơi Trung”, chữ Trung này tức là Chúng sanh tướng.

4. Thọ giả tướng: Tức là không chấp, tất cả tư tưởng đều đã ngưng nghỉ, tất cả thị phi thiện ác đều đã quên mất, trong đó trống rỗng chẳng có chi cả, đồng như mạng căn. Lục Tổ gọi là Vô ký không, Nhị thừa nhận lầm cho là cảnh giới Niết bàn, kỳ thật chính là vô thỉ vô minh, Thiền tông gọi là hầm sâu vô minh, “hầm sâu đen tối mịt mù”, Đạo giáo nói “Vô cực” tức là cảnh giới này.

Bốn tướng kể trên đều thuộc pháp hữu vi, đều chẳng cứu cánh, nên kinh Viên Giác nói: “Chúng sanh đời mạt pháp chẳng rõ bốn tướng, dù khổ hạnh tu tập trải qua nhiều kiếp, chỉ gọi là hữu vi, rốt cuộc chẳng thể thành tựu tất cả Thánh quả”. Kinh Kim Cang nói: “Có ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng, ắt chẳng phải Bồ tát”, là chỉ rõ bốn thứ cảnh giới này đều chẳng phải chánh pháp. Người trí kém thường nói “Tam giáo cùng nguồn”, nếu được rõ tinh nghĩa bốn tướng này thì biết Tam giáo cách nhau như trời với đất.

Vì phạm bốn bệnh bèn lầm nhận kiến, văn, giác, tri là Phật tánh:

Huệ Trung quốc sư hỏi một Thiền giả: Từ đâu đến?
Đáp: Từ miền Nam đến.
Sư hỏi: Miền Nam có Thiện tri thức nào?
Đáp: Tri thức rất nhiều.
Sư hỏi: Làm sao dạy người?
Đáp: Tri thức miền Nam khai thị người học “Tức tâm là Phật, nghĩa Phật là giác, nay ngươi sẵn đủ chánh kiến, văn, giác, tri, tánh này nhướng mày nháy mắt, vận dụng khứ lai khắp trong cơ thể, búng đầu đầu biết, búng chân chân biết, nên gọi là chánh biến tri, ngoài ra chẳng Phật khác; thân này có sanh diệt, tâm tánh từ vô thỉ đến nay chưa từng sanh diệt, thân sanh diệt như con rắn lột da, người ra nhà cũ, thân là vô thường, tánh thì thường”. Sở thuyết miền Nam đại khái như thế.

Sư nói: Nếu vậy chẳng khác với bọn ngoại đạo tiên ni; họ nói “trong thân này có một thần tánh, tánh này hay biết đau ngứa, khi thân hoại thì thần ra đi, như nhà bị cháy chủ nhà ra đi, nhà là vô thường, chủ nhà là thường”. Nếu nói như thế thì chẳng phân biệt được tà chánh, lấy gì làm đúng! Trước kia ta đi du phương gặp nhiều bọn này, tụ chúng năm ba trăm, mắt ngó mây trời, nói là Tông chỉ miền Nam, tự sửa đổi kinh Pháp Bảo Đàn, lược bỏ Thánh ý, thêm vào lời tục để mê hoặc cho hậu học, đâu còn ngôn giáo! Khổ thay! Mất cả Tông ta! Nếu cho kiến, văn, giác, tri là Phật tánh thì Duy Ma Cật chẳng nên nói “Pháp lìa kiến, văn, giác, tri; nếu hành kiến, văn, giác, tri, ấy là kiến, văn, giác, tri, chẳng phải cầu pháp vậy”.

Huỳnh Bá Truyền Tâm Pháp Yếu nói: “Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường tự sáng tròn chiếu khắp, người đời chẳng ngộ, chỉ nhận kiến, văn, giác, tri là tâm; bị kiến, văn, giác, tri che khuất nên chẳng thấy bản thể tinh minh. Hể ngay đó vô tâm thì bản thể tự hiện, như mặt trời trên không, chiếu khắp mười phương chẳng có chướng ngại.Người học đạo nên ở kiến, văn, giác, tri nhận bản tâm, nhưng bản tâm chẳng thuộc kiến, văn, giác, tri, cũng chẳng lìa kiến, văn, giác, tri; chớ nên ở kiến, văn, giác, tri động niệm, cũng chớ lìa kiến, văn, giác, tri cầu pháp; chẳng tức chẳng lìa, chẳng trụ chẳng chấp, tung hoành tự tại, nơi nào chẳng phải đạo tràng!”