Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Các Pháp Thiền Của Phật

Trước đời Phật Thích Ca, các Tông phái Bà La Môn Ấn Độ đều có pháp Thiền tu hành của họ, pháp danh tiếng nhất như: Mười Hai Tịnh Pháp Thiền, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiền, đều là ngoại đạo dùng nó để tu được sanh cõi Trời. Khi Phật Thích Ca mới xuất gia, từng tham học các Thiện tri thức của Bà La Môn, đối với các pháp Thiền của họ đều chưa hài lòng, cho nên vào Tuyết Sơn tự tu. Ban sơ vẫn dùng Phi Tưởng Phi Tưởng Thiền đoạn niệm dứt dục trải qua sáu năm chẳng kết quả gì, biết pháp Thiền của Bà La Môn là sai, nên tắm gội ăn uống lại rồi đến ngồi dưới cây Bồ đề, dùng pháp Thiền Bát nhã Tam muội phản quán chiếu soi, trải qua 49 ngày liền chứng quả Phật, than rằng: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như lai, nhưng chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Thích Ca sau khi thành Phật, muốn dùng sở chứng của Ngài khai thị cho chúng sanh khiến ngộ, nhập Tri Kiến Phật, vì căn cơ chúng sanh muôn ngàn sai biệt, nên pháp của Như lai thuyết cũng muôn ngàn sai khác, nói đại khái có thể chia làm bốn thừa: Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa, và Tối thượng thừa. Tiểu thừa tu thiền Tứ Đế, gọi là Thanh văn thừa; Trung thừa tu thiền Thập Nhị Nhân Duyên, gọi là Duyên giác thừa; Đại thừa tu thiền Lục Độ, gọi là Bồ tát thừa; Tối thượng thừa là chỉ thị trực tiếp Chơn như Phật tánh, chỉ có người chứng nói với người chứng mới biết được, gọi là Nhất Phật thừa, tức là pháp thiền “Niêm hoa thị chúng”, cũng gọi là Giáo ngoại biệt truyền vậy.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu có chúng sanh căn cơ thấp kém thì thuyết hạnh Thanh văn cho họ; nếu căn cơ lanh lợi, ham Độc giác thì thuyết đạo Duyên giác cho họ; nếu có người từ bi, ham lợi ích chúng sanh thì thuyết hạnh Bồ tát cho họ; nếu có người tâm trí huệ thù thắng thì chỉ thị pháp Vô thượng của Như lai”..

Phật Thích Ca dù giả thiết đủ thứ phương tiện để dẫn dắt chúng sanh, nhưng tông chỉ duy nhất chẳng ngoài một việc kiến tánh thành Phật mà thôi, nói vì một nhân duyên đại sự ra đời là vậy. Nên duy có pháp Thiền được khiến chúng sanh đạt đến kiến tánh thành Phật, mới là sự phó chúc huệ mạng của chư Phật, chư Tổ.

Kinh Pháp Hoa nói: “Trong mười phương quốc độ, duy có pháp Nhất Thừa, chẳng hai cũng chẳng ba, ngoài Phật thuyết phương tiện, chỉ dùng giả danh tự, dẫn dắt cho chúng sanh, nên nói trí huệ Phật, chỉ một sự thật này, ngoài ra đều chẳng chơn”.

Khi Phật Thích Ca còn tại thế, các đệ tử đều lấy tu Thiền làm cơ bản, sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, do pháp Thiền cao thấp thành có bốn thừa, nhưng đồng thời được các tông chú trọng. Thiền tông độc lập thành một tông phái là bắt đầu từ Trung Quốc.