Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Pháp Hành Của Bốn Thừa

Người nghiên cứu Phật pháp trước tiên nên rõ bốn thừa, phương pháp tiểu thừa là ngưng nghỉ lục căn mà trung thừa thì lại phản đối ngưng nghỉ lục căn mà ngưng nghỉ nhất niệm vô minh, phương pháp của đại thừa thì phản đối cả ngưng nghỉ lục căn và nhất niệm vô minh mà lợi dụng lục căn và nhất niệm vô minh để đã phá vô thủy vô minh, tối thượng thừa thì trực tiếp biểu thị Phật tánh tuyệt đối, nếu người học công phu thuần thục “chạm nhằm cơ duyên” liền được tiến vào cửa tuyệt đối.

Bốn thừa khác biệt và đối lập thực là mâu thuẫn biết bao, nhưng hễ bước lên khu vườn tuyệt đối thì tất cả mâu thuẫn kể trên liền biến thành hoàn toàn thống nhất.

Xưa nay nhà triết học Tây phương và Đông phương chưa thấy rõ toàn diện của Phật pháp, thường hay lấy một bộ phận nhỏ trong quá trình Phật pháp bèn tự cho là toàn bộ Phật pháp như thế này hoặc như thế kia, từ đó phồng mang trợn mắt hồ đồ dùng ngòi bút sắc bén của họ để phê bình công kích Phật pháp tự thấy đắc ý mà chẳng biết Phật Thích Ca nghe xong cũng không nổi giận mà lại tỏ vẻ nhân từ rằng : “Chúng sanh thiếu thốn trí tuệ như thế, thô thiển như thế, hiểu lầm ý nghĩa và mục đích cuối cùng của tôi, thật là rất đáng thương xót.”

Có người thấy sự dứt lục căn của tiểu thừa bèn quả quyết rằng Phật pháp là chủ nghĩa diệt dục.

Có người thấy sự dứt tư tưởng (nhất niệm vô minh) của Trung thừa lọt vào chấp “không” bèn quả quyết rằng Phật pháp là chủ-nghĩa hư-vô.

Có người thấy Phật pháp phủ định tất cả bèn quả quyết rằng Phật pháp là chủ nghĩa tiêu cực.


Những người đánh giá như thế còn là người thông minh đáng kính và tự cho là có học thức về triết học, còn bọn thô thiển thiếu trí thức xưa nay chưa từng xem qua một cuốn kinh sách Phật nào, chỉ dựa theo con mắt ngu dại của họ, thấy một số thiện nam tín nữ cúng kiếng lễ bái liền lớn tiếng la lên rằng : “Ấy là qủy thần giáo, ấy là tôn giáo mê tín”.

Học giả Tây Phương xưng Phật pháp là Buddistic Nihlism (Thuyết Hư Vô của Đạo Phật) tức là bằng chứng nhận lầm phương pháp của tiểu thừa cho là toàn diện của Phật pháp. Kỳ thực trung tâm tư tưởng của Phật pháp là bản thể tuyệt đối chân thật chẳng phải quan niệm hoặc tượng trưng, cũng như một vật cụ thể rất chân thật có thể dùng tay cầm nắm được cho nên Phật Thích Ca gọi nó là thực tướng, nay đem thực tướng xem thành hư vô há chẳng phải hoàn toàn trái ngược ư!

Đối với người trung thừa lọt nơi hư vô, tiểu thừa diệt dục dứt lục căn, Phật Thích Ca luôn luôn chỉ trích mắng họ vô dụng như “tiêu nha bại chủng” - hạt lúa bị cháy không thể làm giống được nữa - (ghi trong kinh Niết Bàn), ý là muốn họ vượt qua hư vô để tiến lên Đại thừa.

Phật Thích Ca thường dùng khẩu hiệu “đại vô úy, sư tử rống” hiệu triệu quần chúng và thúc đẩy môn đồ khiến họ dũng mãnh tiến tới cho đến quốc độ tuyệt đối cuối cùng, rồi cả thế giới ô uế đều biến thành thế giới trong sạch tự do bình đẳng, chẳng tiếc hy sinh tất cả để đạt đến mục đích này. Hành vi tích cực như thế có lẽ nào bị xem là tiêu cực!