Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Lục Tổ Thiền Pháp

Tổ Đạt Ma truyền pháp Thiền trực chỉ của Phật Thích Ca, đến lục tổ Huệ Năng được phát huy cùng tột, từ đó Thiền tông được đại thành tựu. Lục Tổ vốn là một Sa môn không biết chữ, nhưng trí huệ tuyệt đỉnh, phàm sở phát huy đều xuất phát từ biển giác của Như lai, trực tiếp rốt ráo, cắt đứt tất cả dây dưa, trừ bỏ tất cả sai lầm, rất là thân thiết, rất là thấu triệt.

Trước kia trong Phật giáo đối với lý đốn tiệm của Pháp thân tự tánh, phần nhiều kẹt nơi văn tự. Lục Tổ trực tiếp chỉ ra, như thổi tan mây mù mà bỗng hiện trong sáng, chẳng còn một hạt bụi để ngăn cách, do đó Thiền tông truyền bá rất rộng, người được lợi ích rất nhiều, cho đến kẻ cu ly hạ tiện, bà già tay bưng vai gánh rêu rao mua bán ngoài đường đều biết Tham thiền, đều được ngộ đạo. Từ lúc ấy, người minh tâm kiến tánh chẳng thể kể xiết, thật là việc hưng thịnh từ xưa nay chưa từng có.

Bản sắc “chẳng lập văn tự” của Thiền tông từ Sơ Tổ cho đến ngũ tổ Hoằng Nhẫn, những lời dạy bảo truyền thừa rất ít, đến lục tổ Huệ Năng mới có kinh Pháp Bảo Đàn ra đời, pháp Thiền của tổ Đạt Ma tới đây mới được trọn vẹn hiển bày. Lý đạo phát huy trong kinh Pháp Bảo Đàn hoàn toàn xuất phát từ tự tánh, mỗi lời mỗi chữ đều chẳng lìa tự tánh, bởi vì sau khi chứng ngộ thì trong tâm thất thông bát đạt, tùy tiện đem ra đều là tự tánh.

Pháp của Lục Tổ nói là: Trì tự tánh giới, phát tự tánh nguyện, nhờ tự tánh lực, độ tự tánh chúng sanh, quy y tự tánh Phật. Lục Tổ nói: “Thiện tri thức, nơi niệm niệm tự thấy bản tánh trong sạch, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”. Lại nói: “Pháp sở thuyết của ta chẳng lìa tự tánh, nếu lìa bản thể thuyết pháp gọi là tướng thuyết, làm cho tự tánh thường mê. Phải biết tất cả vạn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là Giới, Định, Huệ chơn thật”.

Thiền tông lấy Niết bàn diệu tâm làm bản thể. NIết bàn diệu tâm tức là Lục Tổ nói: “Bản nguyên tự tánh”, vậy kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nếu khởi chơn chánh Bát nhã, trong một sát na vọng niệm đều diệt, nếu biết tự tánh, hễ ngộ liền đến địa vị Phật. Thiện tri thức, trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng tỏ, nhận tự bản tâm, nếu nhận được bản tâm, tức vốn giải thoát; nếu được giải thoát tức là Bát nhã tam muội”.

Thế nào là Bát nhã tam muội? Người tham thiền cần phải biết rõ, nay đặc biệt giảng rõ như sau:

Bát nhã có ba thứ:

1/ Thật tướng Bát nhã (thể).
2/ Quán chiếu Bát nhã (trí).
3/ Phương tiện Bát nhã (dụng).

Nói một cách khác: Thật tướng bát nhã tức là Phật tánh, quán chiếu Bát nhã là kiến, văn, giác, tri, phương tiện Bát nhã tức là lục căn. Lúc đang tu hành, dùng quán chiếu Bát nhã làm chủ, sai khiến phương tiện Bát nhã để đập tan vô thỉ vô minh thì chứng Thật tướng Bát nhã. Sau khi chứng ngộ, Thật tướng tức là Bản thể Phật tánh, quán chiếu phương tiện là diệu dụng Phật tánh. Thật tướng là Định, quán chiếu phương tiện là Huệ; Thật tướng (Phật tánh) là Pháp thân, quán chiếu (kiến văn giác tri) là Báo thân, phương tiện (lục căn) là Ứng thân, ba tức một, một tức ba, gọi là nhất thể tam thân, thể dụng như một, Định, Huệ bình đẳng, diệu dụng hằng sa.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Tâm lượng rộng lớn, cùng khắp pháp giới, dụng tức liễu liễu rõ ràng, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả là một, một là tất cả, khứ lai tự do, tâm thể vô ngại, tức là Bát nhã”. Lại nói: “Tất cả trí Bát nhã đều từ tự tánh mà ra, chẳng từ ngoài vào, chớ nhận lầm tự tâm, gọi là Chơn tánh tự dụng”.

Về việc phá tan vô thỉ vô minh, kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nên dùng đại Trí huệ (quán chiếu Bát nhã) phá tan ngũ uẩn trần lao (vô thỉ vô minh), tu hành như thế nhất định thành Phật”. Lúc dụng công phu tham thiền, dùng trí huệ Bát nhã hướng ngay chỗ hầm sâu vô minh chiếu soi, chiếu đến khi sơn cùng thủy tận, cơ duyên thuần thục, “Ồ” lên một tiếng thì hầm sâu vô minh bị phá tan, trong một sát na Phật tánh được hiện tiền, kinh Duy Ma Cật nói: “Ngay đó hoát nhiên, liền đắc bản tâm” là vậy, lúc ấy Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông, viên mãn cụ túc, chẳng thiếu chẳng dư, gọi là Bát nhã tam muội, cũng gọi là Minh tâm kiến tánh.