Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Tuyệt Đối & Tương Đối

Phật Thích Ca dùng trí huệ vô thượng sáng lập pháp Thiền Trực Tiếp vốn chẳng có tương đối và tuyệt đối, nhưng vì hướng dẫn chúng sanh lìa khỏi hư vọng, gọi là tương đối, để bước lên quốc độ chân thật, gọi là tuyệt đối, nên mới có sự thuyết pháp để độ chúng sanh. Pháp ấy chẳng ngoài phủ định tương đối tức là Phá Ngã Chấp, Pháp Chấp, Không Chấp để chứng minh tuyệt đối tức là phát huy Chân Như.

Phật Thích Ca gọi cái pháp của Ngài truyền dạy là pháp bản trụ. Nói bản trụ nghĩa là xưa nay vốn sẵn có. Như vậy, nên pháp môn đại thừa dùng những cơ xảo đặc biệt để phủ nhận tương đối nhập vào tuyệt đối, ấy là do bản tánh của con người tự nhiên như thế. Bởi vì tất cả sự vật trong vũ trụ do trí óc của con người nhận biết được đều là tương đối, từ chỗ tương đối thì phải sanh ra mâu thuẫn và từ mâu thuẫn ắt phải sanh ra khổ não, do đó nên mới cần phải phủ định tương đối. Sự phủ định đến chỗ cùng tột thì vũ trụ tương đối kết thúc, vũ trụ tuyệt đối bắt đầu.

Trong vũ trụ tuyệt đối chẳng có tương đối nên chẳng có mâu thuẫn, không mâu thuẫn nên không cần phủ định nữa. Tất cả đều là tuyệt đối, bản trụ saün sàng, vĩnh viễn chẳng biến đổi. Như thế vũ trụ mới có sự viên mãn cuối cùng, cuộc sống của con người mới được đi đến chỗ đầy đủ hạnh phúc.

Tại sao nói từ sự tương đối sanh ra khổ não? Vì tương đối thì có lợi ắt phải có hại cũng như khoa học văn minh hiện tại mỗi năm đào tạo nhân tài khoa học, phát minh và cải tạo máy móc, tăng gia sản xuất, để cung cấp cho đời sống của con người được nhiều phương tiện và phong phú hơn. Đấy là cái phần có lợi cho xã hội, nhưng do cái lợi này lại phải sanh ra cái hại nhiều hơn. Tại sao vậy? Theo sự thực tế đã xảy ra, ví như số nhân tài khoa học đào tạo hàng năm, chỉ một số rất ít có năng khiếu thiên tài đặc biệt, phát minh hoặc cải thiện máy điện toán và đủ thứ máy móc, còn một số không ít nhân tài trình độ thông thường lại kiếm không ra việc làm vì những đơn vị chức vụ đã bị máy điện toán tối tân thay thế rồi, nên phải chịu cái khổ thất nghiệp không tránh khỏi. Số còn lại kiếm được việc làm thì lại vừa làm vừa phải học thêm mới có thể theo kịp sự tiến bộ của khoa học, vậy ắt phải chịu sự gánh vác nặng nề về thời gian lẫn tinh thần làm cho cuộc sống căng thẳng và khổ não vô cùng.

Nay đề ra một công án trong lịch sử Thiền Tông để tiêu biểu cho pháp Thiền Trực Tiếp, cũng để chứng tỏ pháp bản trụ, và đồng thời cũng chính là tiêu biểu cho Tuyệt Đối Luận này để cho độc giả được tăng cường lòng tin tự tâm và do đó quyết tâm thực hành theo để phát hiện tiềm năng vô biên vốn sẵn có của chính mình.

Đạo-Lâm Thiền-Sư có một thị giả tên là Hội Thông, ngày kia muốn từ giã thầy để đi nơi khác.
Sư hỏi: “Ngươi muốn đi đâu?”
Đáp: “Hội Thông vì pháp mới xuất gia, lâu nay Hòa thượng chẳng có dạy bảo gì, nên con muốn đi nơi khác học Phật pháp.”
Sư nói: “Nếu là Phật pháp thì ở đây ta cũng có chút ít.”
Hội Thông nói: “Thế nào là Phật pháp của Hòa thượng?”
Sư liền ở trên áo mình nhổ một sợi lông vải thổi một cái “ù”, Hội Thông ngay đó khai ngộ.

Công-Án này tức là pháp Thiền Trực-Tiếp truyền từ Phật Thích Ca cũng là ở trong sát na, từ quốc độ tương đối bước vào quốc độ tuyệt đối vậy.

Hễ vào được cảnh giới tuyệt đối thì những cái bị phủ định như ngã, vạn hữu, các pháp v.v.... đều biến thành tuyệt đối, hoàn toàn được thừa nhận trở lại.

Đến đây tất cả đều là cảnh giới chân thật nên trong kinh Đại Niết Bàn nói: “Thấy Nhất Thiết Không chẳng thấy Bất Không chẳng gọi là Trung Đạo cho đến thấy Nhất Thiết Vô Ngã chẳng thấy có Ngã cũng chẳng gọi là Trung Đạo”.

Trung đạo gọi là Phật Tánh, vì phủ định nên không, vì thừa nhận nên bất không, vì phủ định nên vô ngã, vì thừa nhận nên có ngã.

Có thể phủ định mà chẳng thể thừa nhận là người tiểu thừa.
Có thể phủ định mà cũng có thể thừa nhận là người đại thừa.
Chẳng nói phủ định cũng chẳng nói thừa nhận là Phật.

Lúc phủ định thì nhất vọng nhất thiết vọng, khi thừa nhận thì nhất chân nhất thiết chân. Khi chưa lìa tương đối thì tất cả đều tương đối, đã vào tuyệt đối thì tất cả đều tuyệt đối, chẳng phải ngoài tương đối có tuyệt đối, chẳng phải ngoài tuyệt đối có tương đối, nên Uế Độ tức là Tịnh Độ, Địa Ngục tức là Thiên Đàng, Phiền Não tức là Bồ Đề, Chúng Sanh tức là Chư Phật. Nói tóm lại Tương Đối tức là Tuyệt Đối, tất cả bình đẳng gọi là pháp môn Bất Nhị, cũng gọi là Nhất Thừa, như trong kinh Pháp Hoa nói: “Trong mười phương quốc độ chỉ có pháp Nhất Thừa, chẳng hai cũng chẳng ba, trừ phương tiện của Phật, chỉ dùng giả danh tự, dẫn dắt cho chúng sanh, duy nhất sự thật này, ngoài ra đều chẳng chân” là nghĩa này vậy.

Đến đây, nên ghi nhớ rằng cảnh giới tuyệt đối chân-như chẳng phải văn tự lời nói có thể diễn đạt, nên Phật Thích Ca thuyết pháp xong liền phủ định ngay, nói rằng: “Ta 49 năm thuyết pháp chưa từng nói một chữ”, lại nói: “Ta từ đêm ấy đắc chánh giác, cho đến đêm ấy nhập Niết Bàn chẳng thuyết một chữ nào cả”, lại nói: “Ta đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng chẳng được một chút pháp nào cả.”