Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

Ưng Vô Sở Trụ


Tức tâm là Phật, trên từ chư Phật, dưới đến sâu bọ hàm linh đều có Phật tánh, đồng một tâm thể, nên Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ đến chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh vốn là Phật, chẳng nhờ tu hành, chỉ cần nhận lấy tự tâm, thấy tự bản tánh, chớ nên tìm cầu cái khác. Thế nào là nhận lấy tự tâm? Cũng như cái hiện đang nói năng chính là tâm ngươi, nếu chẳng nói năng lại chẳng tác dụng thì tâm thể giống như hư không, chẳng có tướng mạo cũng chẳng phương sở cũng chẳng phải tuyệt không có, vì có mà chẳng thể thấy, nên Tổ Sư nói :"Tâm địa tức chân tánh, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, ứng duyên mà giáo hóa, phương tiện gọi là trí". Nếu khi chẳng ứng duyên chẳng thể nói hay không, đang khi ứng duyên cũng chẳng dấu tích, đã biết như thế nay chỉ cần đi theo đường vô trụ của chư Phật. Kinh nói :"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Tất cả chúng sanh dùng ý căn phan duyên tạo tác, trôi lăn trong lục đạo, sanh tử luân hồi chẳng ngừng, uổng chịu đủ thứ khổ như Duy Ma Cật nói :"Người khó hóa độ tâm như con khỉ phải dùng bao nhiêu thứ pháp kềm chế tâm họ rồi mới điều phục được". Nên nói tâm sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt. Phải biết tất cả các pháp từ trời, người, a tu la cho đến dịa ngục, lục đạo đều do tâm tạo, nay chỉ cần học Vô Tâm, các duyên bỗng ngưng, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, vô nhân vô ngã vô tham sân, vô yêu ghét, vô thắng bại. Chỉ cần trừ bỏ đủ thứ vọng tưởng, bản tánh vốn tự thanh tịnh, tức là tu hành đúng theo Phật pháp, Bồ Đề v.v... Nếu chẳng ngộ ý này dẫu cho ngươi siêng năng học rộng, khổ hạnh tu tập, ăn mặc cực khổ mà chẳng nhận thức tự tâm đều gọi là hạnh tà, đều thành thiên ma ngoại đạo, thủy lục chư thần. Tu hành như thế có ích lợi gì!


Người thường cho là cảnh chướng ngại tâm, sự chướng ngại lý, cứ muốn tránh cảnh để an tâm, bỏ sự để lập lý, chẳng biết thực ra là tâm chướng ngại cảnh, lý chướng ngại sự. Hễ khiến tâm không thì cảnh tự không, hễ cho lý tịch thì sự tự tịch, chớ nên dụng tâm điên đảo vậy. Nhiều người thường chẳng chịu cho tâm không vì e sợ đọa nơi rỗng không, chẳng biết tự tâm vốn không. Kẻ ngu trừ sự chẳng trừ tâm, người trí trừ tâm chẳng trừ sự.